Vì sao hàng trăm công ty giao hàng nhanh xuất hiện mà các shipper VN vẫn sống tốt?

Mặc dù các công ty chuyên nghiệp về vận chuyển ngày càng nở rộ như Viettel post, Giao hàng nhanh, Giang hàng tiết kiệm, Shipchung, mới đây là Uber, Grab… song shipper tự phát tại VN vẫn là một nghề kiếm tiền hiệu quả.

Trần Văn Thành, sinh viên năm 3 đại học Thương mại Hà Nội cho biết, nghề shipper giúp anh trang trải tốt cuộc sống, cả tiền thuê phòng, học phí cho tới bạn bè. Thay vì làm tại các công ty về giao hàng chuyên nghiệp, Thành thường lên các trang mạng xã hội đăng tin nhận đơn hàng.

Thành cho biết, cách làm này giúp anh chủ động trong công việc, thay vì phải bó buộc giờ và quy định tại công ty giao hàng. Chàng sinh viên cho biết, bạn bè trong lớp cũng tận dụng xe máy có sẵn để nhận đơn kiếm thêm thu nhập.

Theo khảo sát mới đây của Công ty CP Công nghệ DKT đối với 500 cửa hàng kinh doanh trực tuyến tại VN, nhu cầu sử dụng các dịch vụ COD (giao hàng thu tiền) chuyên nghiệp vẫn còn khá thấp.

Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 60% DN chỉ áp dụng phương thức tự giao hàng và thuê shipper (người giao lẻ) thay vì kết nối với một đơn vị vận chuyển chuyên dụng. Chỉ có 31% các cửa hàng online đã từng sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền (COD) của bên thứ ba. Điều này cho thấy, các đơn vị kinh doanh online chưa thực sự tin tưởng và sử dụng hình thức COD của các dịch vụ chuyên dụng.

Theo tổng hợp ý kiến của các DN kinh doanh online vừa và nhỏ (khách hàng chính của mô hình dịch vụ COD), giá thành và chất lượng dịch vụ vận chuyển là rào cản lớn nhất cho các dịch vụ COD tại Việt Nam.

Trong đó, 74% chủ shop cho biết giá cả là yếu tố đầu tiên họ cân nhắc khi quyết định lựa chọn hình thức giao hàng. Các yếu tố tiếp theo được nêu ra là chất lượng dịch vụ (59%) và uy tín của đơn vị giao hàng (58%). Chỉ có 15% cửa hàng quan tâm đến các tiện ích đi kèm khi giao nhận.

Ở một chiều ngược lại, khi được hỏi về vấn đề thường xuyên gặp phải khi sử dụng dịch vụ giao hàng, 60% cho rằng giá dịch vụ khá cao nếu so với phương án để cho nhân viên kiêm nhiệm việc giao lẻ. Đồng thời 51% gặp phải tình trạng giao hàng chậm hơn so với dự kiến và 44% phàn nàn nhân viên của đơn vị chuyển phát chậm đến lấy hàng khi có yêu cầu.

Chị Đỗ Thanh Loan, chủ shop Gento – là một cửa hàng đồ da online lớn tại Hà Nội, cho biết, chỉ sử dụng các dịch vụ chuyển phát khi lượng đơn hàng ít hoặc ở xa. Ngược lại, nhân viên giao hàng rẻ và chủ động hơn nhiều khi đơn hàng tăng lên.

Tự giao hàng hay sử dụng dịch vụ COD sẽ rẻ hơn?

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trần Thi – Giám đốc khu vực phía bắc Giao Hàng Nhanh cho rằng, tự thuê shipper tự do hoặc sử dụng dịch vụ của các bên chuyển đều có các ưu thế riêng như linh hoạt trong một số trường hợp cần mặc cả giá, đổi nơi giao hàng.

Ngược lại, dịch vụ giao hàng chuyên dụng mang lại cảm giác chuyên nghiệp, đảm bảo, uy tín cho cửa hàng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ hỗ trợ cho các shop sẽ tốt hơn, tạo được niềm tin từ khách hàng và cho thấy mức độ chuyên nghiệp hơn đối với DN.

Nói về chi phí, ông Thi cho rằng, cả ba phương án là tương đương. Theo ông, sử dụng nhân viên giao hàng hoặc shipper có thể tiết kiệm về tiền bạc nhưng những chi phí ẩn khác có thể làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh. Như chi phí đào tạo sẽ làm giảm hiệu suất của nhân viên. Bên cạnh đó, giá rẻ trước mắt dẫn đến chi phí thực tế rất cao mà các chủ shop thường không tính đến.

“Nếu tính về chi phí trực tiếp, thực tế chi phí khi sử dụng shipper tự do và dịch vụ giao hàng sẽ không chênh lệch nhiều (trung bình 20k/đơn hàng trong nội thành). Ngoài ra nếu tính một cách toàn diện các chi phí cơ hội khi bán được đơn hàng, chăm sóc và dịch vụ tốt hơn cho người mua, chi phí giao lại lần 2, quản lý và chủ động, v.v. thì giá trị mà các đơn vị giao hàng chuyên nghiệp sẽ mang lại nhiều hơn khi sử dụng shipper tự do”, ông Thi cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Trọng Tuyến, CEO DKT, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT VN cho rằng, chỉ có hỗ trợ tự động hóa kết nối mới thúc đẩy TMĐT phát triển.

Tuy nhiên, dựa vào kết quả khảo sát, cho thấy khâu thanh toán trực tuyến và khâu giao nhận đang là hai khâu thiếu và yếu, làm chậm sự phát triển chung của toàn ngành. Do đó, các DN vận chuyển cần có cách làm hợp lý và tính toán chi phí phù hợp nhất để thu hút được lượng khách hàng lớn, thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững.